Tắc nghẽn tĩnh mạch gan gây tràn dịch màng tim phổi

22/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Người Lớn Các Bệnh Sức Khỏe Tim Mạch
Tắc nghẽn tĩnh mạch gan gây tràn dịch màng tim phổi

Tình trạng huyết khối tiến triển kèm theo hạ albumin máu, tràn dịch đa màng (tràn dịch màng phổi, màng tim) khiến anh Hải thường khó thở, suy hô hấp. Albumin là một loại protein được sản xuất bởi gan, đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Thiếu hụt albumin dẫn đến tràn dịch các màng ở cơ quan nội tạng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây hạ huyết áp.

Nửa năm qua, anh Hải thường xuyên truyền tĩnh mạch bù albumin, có tuần 5 lần. Anh có tiền sử huyết khối mạn tính gây tắc tĩnh mạch nhiều nơi, viêm gan virus B mạn tính, được chẩn đoán xơ gan. Anh điều trị vi khuẩn lao, nấm, song song điều trị bệnh gan nhưng tình trạng tràn dịch màng phổi không cải thiện, nhiều lần phải chọc hút dịch màng phổi.

TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chỉ số xét nghiệm chức năng gan và đông máu của người bệnh xơ gan bình thường nên loại trừ nguyên nhân albumin giảm do suy xơ gan. Qua siêu âm và chụp CT mạch máu, BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, đánh giá tình trạng tràn dịch đa màng và giảm albumin máu của người bệnh có thể do hẹp tĩnh mạch chủ dưới, tích tụ máu trong gan, gọi là hội chứng Budd Chiari. Hạ albumin máu là tình trạng phổ biến, song hạ albumin máu do hội chứng Budd Chiari ít được ghi nhận trong y văn.

Kết quả đo áp lực lòng mạch, có sự chênh lệch áp lực cao giữa tĩnh mạch chủ dưới, nhĩ phải. Êkíp nong bóng vị trí tĩnh mạch chủ dưới đổ về nhĩ phải. Anh Hải tỉnh táo, không đau, xuất viện ngay hôm sau. Sau một tuần can thiệp, hàm lượng albumin máu về mức bình thường (35 g/L), trước đó là 27 g/L. Giới hạn albumin máu ở người trưởng thành là 35-50 g/L. Sau một tháng, chỉ số albumin máu đạt 40 g/L, anh không còn khó thở, hết mệt mỏi, sạch dịch ở các màng.

Bác sĩ Trang (bên phải) cùng êkíp đặt stent tĩnh mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Khanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạ albumin máu như các trường hợp mắc bệnh gan (xơ gan, bệnh gan do rượu), tiểu đường, tổn thương cầu thận, suy thận, bị sốc, suy dinh dưỡng, viêm, sau phẫu thuật. Người bị bỏng, bệnh đường ruột, lupus ban đỏ, nhược giáp, suy tim, đa u tủy xương... cũng dễ gặp tình trạng này.

Ly Nguyễn

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật