Ý kiến được ông Bình nêu tại hội thảo xây thương hiệu quốc gia cho gạo Việt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Sóc Trăng và báo Tuổi trẻ tổ chức, ngày 10/12.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An phát biểu tại hội thảo ngày 10/12. Ảnh: Chúc Ly
Theo ông Bình, giai đoạn năm 2010-2014, ông và anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã sát cánh trong vấn đề xây dựng gạo ST nhằm lan tỏa trên thế giới. Việt Nam đã có ST25 hai lần được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới (2019 và 2023). Do đó có thể tính đến việc lấy dòng ST xây dựng thành thương hiệu gạo tiêu biểu của quốc gia.
"Khi chúng ta có thương hiệu gạo đã được chứng nhận là ngon nhất thế giới thì các loại gạo khác cũng ảnh hưởng tốt theo", ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Cua cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo phải làm bằng chuỗi chứ không thể tính công đoạn. Nếu không xây dựng chuẩn thì dù là gạo ngon nhất thế giới mà bị trả về hàng trăm container sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu.
Theo ông Cua, nhìn ra những quốc gia xây dựng thương hiệu thành công nhất thế giới, Ấn Độ tập trung cho giống Basmati, Thái Lan có Hom Mali, nghĩa là họ tập trung cho một giống. Sau khi tập trung cho một giống thì luôn luôn có tiêu chuẩn độ thuần, hạn chế hóa chất để có hương vị tự nhiên. Khi sản xuất nông dân cần tránh để lúa trổ vào thời điểm mưa dầm hoặc nóng nhất mới giữ được mùi thơm đặc trưng.
Ông Hồ Quang Cua, anh hùng lao động, "cha đẻ" của giống lúa ST. Ảnh: Chúc Ly
"Những năm gần đây, khi chúng ta bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp và người dân từng bước hỗ trợ lẫn nhau để cùng nâng cấp chất lượng", ông Cua nói.
Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết vai trò của thương hiệu trong phát triển ngành gạo là yếu tố làm gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh. Hiện một số doanh nghiệp đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế, điển hình là thương hiệu gạo ST25. Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo nước ta, tạo tiền đề để nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa. "Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu", ông Hòa nói.
Thu hoạch lúa tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Minh
Từ một nước nhập khẩu, nhiều năm trở lại đây Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vụ lúa năm 2024, cả nước có 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 612 tạ mỗi ha, sản lượng 43,4 triệu tấn. 11 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 5,3 tỷ USD, tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Chúc Ly