Một số hãng bán dẫn Mỹ tách Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng

31/12/2024
|
0 lượt xem
Công Nghệ Số Hóa
Một số hãng bán dẫn Mỹ tách Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng

Theo WSJ, một số nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu của Mỹ đang yêu cầu đối tác trong chuỗi cung ứng "tìm kiếm các lựa chọn thay thế" cho một số thành phần từ Trung Quốc. Nếu không, họ "có nguy cơ mất tư cách nhà cung cấp". Các đối tác cũng được thông báo họ không thể tiếp nhận nhà đầu tư hoặc có cổ đông từ Trung Quốc.

Dù không đề cập chi tiết, nguồn tin cho biết hai trong số đó là Applied Materials và Lam Research, nằm trong số các công ty chuyên về thiết bị sản xuất vi xử lý ở quy mô lớn nhất thế giới.

Logo Applied Materials hiển thị trên một mẫu smartphone. Ảnh: Reuters

Ngày 4/11, đại diện Lam Research cho biết họ tuân thủ quy định xuất khẩu của Mỹ liên quan đến chuỗi cung ứng sản xuất chip. Applied Materials cũng nói công ty luôn xác định các nguồn thay thế để đảm bảo sự chủ động. Dù vậy, cả hai từ chối đề cập chi tiết vấn đề.

Những năm qua, các nhà lập pháp Mỹ liên tục ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến, trong đó có thiết bị sản xuất chip. Chúng thường được thiết kế hoặc sản xuất tại Mỹ và các khu vực như đảo Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây Âu.

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris trong các chiến dịch tranh cử cũng đều cam kết cứng rắn hơn trong thương mại với Trung Quốc, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực được coi là đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Bộ Thương mại Mỹ năm ngoái ban hành quy định yêu cầu nhà sản xuất Mỹ phải có giấy phép trước khi chia sẻ chi tiết kỹ thuật và kế hoạch với các nhà cung cấp Trung Quốc. Những doanh nghiệp này cũng chỉ được cấp giấy phép tạm thời, dự kiến hết hạn vào cuối 2025.

Dẫn ý kiến từ giới chuyên gia trong ngành bán dẫn, Fortune cho biết động thái ngăn chặn có thể gây ra tác động lớn. Với Applied Materials hay Lam Research, việc buộc phải "cắt đứt" với đối tác cung ứng ở Trung Quốc có thể làm tăng chi phí, vì không dễ dàng tìm được lựa chọn thay thế với giá tương tự. Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của cả Applied Materials và Lam Research trên toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, các quy định cũng có thể khiến một số nhà thầu Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Shenyang Fortune Precision Equipment, nhà cung cấp cho Applied Materials, đã mở một nhà máy tại Singapore năm nay với hy vọng có thể phục vụ khách hàng nước ngoài.

Các nhà cung cấp Trung Quốc cũng đang tìm kiếm giải pháp thay thế, như thiết lập liên doanh ở các quốc gia thứ ba. Một CEO công ty bán dẫn Trung Quốc cho biết công ty của ông đã đặt trụ sở tại Singapore, sau đó xem xét lập liên doanh ở Malaysia để tiếp tục cung cấp cho các công ty Mỹ.

Lam Research là một trong những nhà thiết kế công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, thành lập năm 1980, có trụ sở tại California, Mỹ và hiện có hơn 18.700 nhân viên.

Applied Materials được thành lập năm 1967, chuyên cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất chip, màn hình phẳng cho thiết bị di động và các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời. Cùng với KLA Corp, Lam Research, Applied Materials được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn của Mỹ nhờ nắm nhiều công nghệ và sản phẩm phục vụ lĩnh vực này.

Bảo Lâm

Mỹ hoàn thiện quy định hạn chế đầu tư AI vào Trung Quốc Mỹ điều tra TSMC vì nghi ngờ cung cấp chip cho Huawei Trung Quốc liên tục đạt bước tiến mới về bán dẫn Mỹ sắp cấm phần mềm, phần cứng Trung Quốc trong ôtô Trung Quốc 'chào hàng' máy quang khắc tự chế tạo Mỹ hoàn thiện quy định hạn chế đầu tư AI vào Trung Quốc Mỹ điều tra TSMC vì nghi ngờ cung cấp chip cho Huawei Trung Quốc liên tục đạt bước tiến mới về bán dẫn Mỹ sắp cấm phần mềm, phần cứng Trung Quốc trong ôtô Trung Quốc 'chào hàng' máy quang khắc tự chế tạo
Tin liên quan
Tin Nổi bật