Bàng quang là cơ quan thuộc hệ tiết niệu, nằm vùng hạ vị, hình cầu rỗng, có chức năng trữ nước tiểu từ thận trước khi đào thải ra bên ngoài cơ thể. ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Nghĩa, Đơn vị Niệu Nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, hướng dẫn một số biện pháp giúp cải thiện sức khỏe của bàng quang.
Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước cho cơ thể để đào thải độc tố, vi khuẩn tốt hơn ra khỏi các cơ quan trong hệ tiết niệu, hạn chế nguy cơ hình thành sỏi, nhiễm trùng tiểu.
Tránh nhịn tiểu quá lâu: Thói quen nhịn tiểu quá lâu gây giãn bàng quang, giảm khả năng co bóp của cơ bàng quang, dẫn đến giảm cảm giác muốn đi tiểu, giảm khả năng tống xuất nước tiểu. Nhịn tiểu quá lâu còn khiến nước tiểu trào ngược lên thận, nguy cơ gây nhiễm trùng hoặc tổn thương thận, nặng nhất là suy thận.
Kiểm soát cân nặng: Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các vấn đề đường tiểu, nhất là tiểu không tự chủ cao hơn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa tư vấn cách cải thiện sức khỏe bàng quang. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Kiểm soát chế độ dinh dưỡng: Người gặp vấn đề bàng quang cần hạn chế các thực phẩm chua cay, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt. Hạn chế sử dụng một số loại đồ uống kích thích bàng quang như cà phê, trà phê, nước ngọt có gas, soda...
Không hút thuốc: Thuốc lá chứa nhiều chất độc ảnh hưởng đến niêm mạc bàng quang, tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Phụ nữ quan hệ tình dục có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn từ ruột, âm đạo xâm nhập vào niệu đạo, di chuyển ngược dòng lên bàng quang gây viêm. Do đó, sau khi quan hệ, phụ nữ nên đi tiểu sớm nhất để đào thải vi khuẩn ra ngoài đường tiểu.
Tập sàn chậu thường xuyên: Tập sàn chậu giúp phụ nữ cải thiện sức mạnh các cơ sàn chậu, gia tăng khả năng nâng đỡ cơ quan vùng chậu, cải thiện khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, hạn chế nguy cơ sa tạng chậu.
Không tự ý sử dụng thuốc: Các chất tồn dư trong thuốc được thải ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu có thể ảnh hưởng đến bàng quang. Do đó, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tránh táo bón: Rặn mạnh khi táo bón tạo áp lực lớn lên bàng quang, tăng nguy cơ tiểu không tự chủ. Có thể phòng tránh táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc và uống đủ nước.
Bác sĩ Văn Nghĩa khuyến cáo người có các triệu chứng liên quan đến các vấn đề bàng quang như tiểu nhiều lần, són tiểu, khó nhịn tiểu, tiểu đau buốt, tiểu nóng rát, tiểu ra máu, tiểu khó, dòng tiểu yếu, tiểu không hết... cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân để có biện pháp theo dõi và điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp