Thông tin được bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), chia sẻ tại lễ ra mắt Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản IVF Phương Châu, Bệnh viện Phương Nam, ngày 10/9. Ngoài ra, khoảng 400-500 em bé chào đời nhờ mang thai hộ, mang đến niềm vui làm bố mẹ cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế công bố con số trẻ chào đời nhờ hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ.
Theo ông Tuấn, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Việt Nam đi sau thế giới 15 năm về hỗ trợ sinh sản. Năm 1998, những bé đầu tiên Việt Nam chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ.
Từ vài cơ sở đầu tiên, Việt Nam đã phát triển khoảng 60 cơ sở hỗ trợ sinh sản toàn quốc. Tỷ lệ điều trị thành công tăng, từ 10-20% nay lên 40-50%, có những cơ sở 70%. Đến nay, bác sĩ làm chủ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại trên thế giới, thực hiện nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM), bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI)...
Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, phát biểu ngày 10/9. Ảnh: Uyên Linh
Hiện, một số cơ sở sử dụng công nghệ time-lapse tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi sự phát triển của phôi, mang lại sự an toàn và chất lượng cao cho bệnh nhân. Có những nơi ứng dụng công nghệ thông tin và sinh trắc học trong quản lý để tránh sai sót, tránh nhầm lẫn, gian lận, tội phạm trong hỗ trợ sinh sản.
Khi công nghệ thông tin chưa phát triển, đa số cơ sở nhận diện bệnh nhân bằng chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn. Nay, hầu hết nơi nhận diện khách hàng bằng căn cước công dân có gắn chip, mã số định danh, ứng dụng VNeID, thiết lập hồ sơ bệnh án điện tử, dùng mống mắt, vân tay để nhận diện...
"Vấn đề đặt ra là công nghệ thông tin do con người vận hành, nếu quản lý, kiểm soát không tốt dễ dẫn đến lách luật để phạm tội", ông Tuấn nói, thêm rằng việc tránh sai sót là vô cùng quan trọng bởi mỗi ca sai lầm có thể phá hủy cả danh tiếng bệnh viện. Thực tế ghi nhận có một số người lợi dụng kẻ hở pháp luật trong hỗ trợ sinh sản, buôn bán tinh trùng, buôn bán phôi, thậm chí buôn bán trẻ em, đẻ thuê, với nhiều vụ việc phạm pháp đã được phanh phui. Có trường hợp đưa người này vào làm thủ tục nhận diện, đến lúc đi thực hiện thì thay bằng người khác.
Do đó, bệnh viện cần thiết lập quy trình chặt chẽ, cập nhật kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin. Nhân viên y tế cần cố gắng phòng tránh nhầm lẫn, cảnh giác cao với các hành vi phạm tội.
Lọc rửa trứng trong lab hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Phương Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo ông Tuấn, một thách thức lớn trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản là chi phí điều trị hiếm muộn tại Việt Nam thấp hơn thế giới nhưng vẫn cao so với thu nhập của đa số người dân, lại chưa được bảo hiểm y tế chi trả, khiến nhiều cặp vợ chồng chưa thể tiếp cận. Với đại đa số người lao động, chi phí điều trị vẫn là gánh nặng quá lớn, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca.
Các chuyên gia kỳ vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có những thay đổi về chính sách, sự chi trả của bảo hiểm y tế như nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á. Điều này giúp nhiều cặp vợ chồng mong con có cơ hội tiếp cận điều trị, trong bối cảnh mức sinh nước ta đang ngày càng xuống thấp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch, ở thế kỷ 21. Thống kê của WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.
Lê Phương